Tết Thất Tịch
Mỗi năm cứ đến những ngày đầu tháng 7 âm lịch, khi bầu trời ban đêm thường có những trận mưa lất phất bất chợt xuất hiện (người Việt thường hay gọi là mưa ngâu), báo hiệu cho một ngày lễ truyền thống ca ngợi tình yêu nam nữ, một ngày lễ tôn vinh sự khéo tay của các cô gái, ngày hội cầu duyên của các nam thanh nữ tú người Hoa tại thành phố đang đến gần – đó chính là tết Thất Tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch.
Tết Thất Tịch có nhiều tên gọi khác nhau như: Khất Xảo Tiết, Thất Tỷ Đán, Xảo Tịch, … ; đây là một ngày lễ có nguồn gốc xa xưa được người Hoa đem theo đến Việt Nam trong quá trình di dân của mình. Một ngày lễ bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại cảm động về một đôi tình nhân đến từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau chuyện kể rằng vào thuở xa xưa có một chàng chăn trâu nghèo hiền lành tốt bụng tên là Ngưu Lang, sau khi cha mẹ qua đời, chàng bị anh ruột chiếm hết tài sản và bị đuổi ra khỏi nhà với một con trâu già yếu và một mảnh ruộng nhỏ cằn cỗi. Chàng không hề than vãn một lời, dẫn theo con trâu già dựng một túm lều tranh bên bờ ruộng nhỏ của mình và cần cù cày cấy trồng trọt với sự giúp đỡ của con trâu già. Cuộc sống đầy gian khổ cứ thế trôi đi, một hôm con trâu già đột nhiên cất tiếng nói với Ngưu Lang rằng hãy đến bờ hồ gần đó núp vào bụi rậm chờ, khi có 7 cô gái từ trên trời bay xuống hồ tắm thì hãy lấy bộ xiêm y của cô nhỏ tuổi nhất giấu đi. Chàng nghe theo và đến nấp trong bụi rậm ven hồ chờ đợi, một lúc sau, quả nhiên trên trời thấp thoáng có 7 cô gái xinh đẹp bay xuống hồ nô đùa, Ngưu Lang nhân cơ hội đó đã lén lấy bộ xiêm y của cô nhỏ tuổi và xinh đẹp nhất đem giấu đi, nghe tiếng động các cô gái vội vã hóa thành những con chim bay lên trời, chỉ riêng cô út vì đã bị lấy mất bộ xiêm y nên không thể về trời được, và thế là đồng ý kết duyên với chàng Ngưu Lang. Cô tiên xinh đẹp này chính là cô gái út của Ngọc Hoàng và Tây Vương Mẫu tên là Chức Nữ, vì theo các chị xuống hồ vui đùa bị chàng phát hiện nên đã nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, Ngưu Lang vẫn cần mẫn cày cấy trồng trọt ngoài đồng, còn Chức Nữ ở nhà chăm chỉ dệt vải để đem đi bán, cuộc sống hạnh phúc của hai người cứ như thế yên bình trôi đi, sau khi Chức Nữ hạ sinh được hai người con, Tây Vương Mẫu biết được sự tình nên đã nổi giận sai thiên binh thiên tướng bắt nàng về trời. Ngưu Lang không thể đuổi theo được đành cùng hai con ngồi nhìn lên trời mà khóc lóc thê lương, con trâu già lại một lần nữa nói với chàng rằng hãy giết nó đi rồi lột da khoác lên người sẽ có thể bay lên trời đuổi theo Chức Nữ, chàng làm theo và quả nhiên có thể bay lên trời đuổi theo Chức Nữ. Tây Vương Mẫu nhìn thấy sự việc này liền rút trâm cài đầu vạch xuống một cái hóa thành con sông Thiên Hà nước cuồn cuộn chảy mãi mãi ngăn cách hai người với nhau. Ngưu Lang – Chức Nữ ngồi hai bên bờ sông buồn bã khóc lóc nhớ nhung, tình cảm của hai người cuối cùng đã cảm động được Tây Vương Mẫu, bà liền sai Thái Bạch Kim Tinh truyền lệnh cho hai người 7 ngày có thể gặp nhau 1 lần, nhưng vì tuổi cao nên khi truyền lệnh của Tây Vương Mẫu, ông đã nói nhầm thành một năm gặp nhau 1 lần vào ngày mùng 7 tháng 7. Và thế là mỗi năm một lần cứ đến ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm, Ngưu Lang và Chức Nữ lại có cơ hội gặp mặt, nhưng đến ngày gặp mặt, đối diện với con sông Thiên Hà cuồn cuộn chảy trước mặt không thể nào vượt qua được, trong lúc khó khăn ấy, đột nhiên bay đến rất nhiều chim Ô Thước, đây là những con chim cảm động trước tình yêu của hai người đã bay tới dùng thân mình bắc thành cây cầu nối liền hai bờ để Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, khi đứng trên cây cầu “Ô Thước” này, hai vợ chồng đã mừng rỡ ôm nhau vui mừng đến bật khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc này đã biến thành những cơn mưa lất phất chợt đổ rào trên trần thế.
Câu chuyện thần thoại này chính là nguồn cảm hứng, là nguồn gốc của những phong tục, tập quán trong ngày tết Thất Tịch truyền thống của người dân mỗi độ tháng bảy về. Khác với những tập tục truyền thống lưu truyền tại Trung Hoa, người Hoa tại Việt Nam, cụ thể là người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh lại có những cách thể hiện khác mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo của mình. Mỗi năm đến những ngày đầu tháng 7 âm lịch, tại các khu chợ có đông đồng bào Hoa sinh sống lại nhộn nhịp hẳn lên với những màu xanh mơn mởn của lá mạ non, màu đen tuyền của những củ ấu no tròn, màu vàng nhạt của những hạt đậu phọng ngon lành, mùi thơm của những chiếc bánh phục linh đầy màu sắc, … Đó chính là những lễ vật truyền thống trên cỗ bàn cúng vào tối ngày mùng 7 tháng 7. Theo quan niệm của người Hoa, vì Chức Nữ là nàng tiên rất khéo tay trên cung đình, Ngưu Lang là anh chàng chăn trâu hiền lành tốt bụng và có nhiều sức khỏe, nên người dân đã bày cỗ bàn vào buổi tối để cầu mong Chức Nữ ban phát sự khéo tay cho các cô gái và Ngưu Lang ban sức mạnh cho các chàng trai trẻ và cũng nhân đó cầu mong cho chuyện tình duyên của các cô gái chàng trai được suôn sẻ cũng như những người còn độc thân mau chóng tìm được một nửa của đời mình. Và cũng chính vì thế mà ngày tết Thất Tịch còn được gọi là Lễ Tình Nhân của phương đông, hay lễ cầu duyên theo cách gọi của người Việt.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi chút về những sự kiện liên quan đến ngày tết này:
Cũng giống như tết Trung Thu, thời điểm diễn ra buổi lễ này là vào buổi tối, khi mặt trăng đã treo trên đỉnh bầu trời, trước đó, các gia đình đã bày sẵn cỗ bàn trước sân để dâng hương. Chọn thời điểm buổi tối là vì Ngưu Lang – Chức Nữ chính là những vị thần được nhân cách hóa từ tín ngưỡng thờ các hiện tượng tự nhiên của người xưa, trong trường hợp này chính là tín ngưỡng thờ sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ, mà muốn thấy được các vì sao thì thời điểm thích hợp nhất chính là vào buổi tối.
Người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh có thói quen dâng hương vào tối ngày mùng 6 tháng 7, tuy ngày 7 tháng 7 là ngày chính thức, nhưng người dân lại có thói quen làm cỗ bàn dâng hương vào hai ngày khác nhau; nếu gia đình có nam giới chưa lập gia đình sẽ dâng hương cúng Ngưu Lang vào tối mùng 6 tháng 7, còn gia đình có những cô gái chưa dựng vợ gả chồng sẽ dâng hương cúng Chức Nữ vào tối mùng 7 tháng 7. Và việc dâng hương này thường sẽ kéo dài đến khi dựng vợ gả chồng xong.
Trong cỗ bàn ngày Thất Tịch, ngoài những bánh trái, hoa quả thường thấy trong mâm cúng của người Hoa, còn có một vài lễ vật đặc sắc gắn liền với truyền thuyết về lễ hội này như:
Lá mạ non: đây là lễ vật đặc sắc trong ngày này, trước ngày lễ một hai ngày, các khu chợ có đông đồng bào Hoa sinh sống sẽ bày bán các bó mạ xanh tươi được quàng bằng tờ giấy đỏ. Theo quan niệm dân gian, bó lá mạ non này sau ngày cúng sẽ được đem đi phơi khô để dành, khi trẻ em trong gia đình không được khỏe sẽ dùng nó để nấu nước cho bé uống đẩ cầu mong cho bé mau mạnh khỏe, nhưng điều kiện y tế hiện nay đã rất phát triển nên hầu như không ai còn tin vào điều này nữa.
Các loại bánh trái trong ngày này: bánh phục linh, bánh chay nhân dừa, đậu phọng rang (nguyên vỏ), củ ấu, 7 loại trái cây theo mùa, hoa, trà, …
Một nét đặc sắc trong cỗ bàn cúng đêm Thất Tịch không thể thiếu được đó chính là “thau Thất Tỷ”, một cái thau được đan bằng nan tre, dán giấy, bên trong có hình ảnh cây cầu Ô Thước, hình tượng Ngưu Lang, giày dép, quần áo, đồ trang sức, … một cách thể hiện sự khéo tay của các cô gái trong ngày tết đặc biệt này.
Cho đến thời điểm hiện tại, tết Thất Tịch vẫn là một ngày lễ truyền thống đầy màu sắc lãng mạn với truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ, cùng những mơ ước của các bạn trẻ về một lương duyên mỹ mãn bền lâu như tình yêu của họ.