Người Việt có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, nghĩa là ở đâu có sự sống của con người thì ở đó có Thổ công cai quản. Thông thường, mỗi khi làm việc có đụng chạm đến đất đai: xây cất, đào ao, đào giếng, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt… thì phải cúng vị thần này. Thổ Côngcòn được gọi Ông Địa và thờ ở dưới đất (đất phải về với đất); nhiều nơi, vì ảnh hưởng Trung Hoa còn gọi Ông Địa là Thần Tài (mọi thứ đều từ đất mà ra).

Thổ Công là một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Một số giả thuyết cho rằng Thổ Công là một trong ba vị Táo Quân xuất hiện trong truyện Sự tích Táo quân [1] (hay Sự tích ba ông đầu rau). Người chồng thứ hai là Thổ Công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là vua bếp), người chồng thứ nhất là Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa), người vợ là Thổ Kỳ (trông coi việc mua bán, chợ búa cho phụ nữ trong nhà và sản sinh vật ngoài vườn). Tuy nhiên, một số người cho rằng Thổ Công là vị thần cai quản vùng đất còn Táo Quân chỉ coi việc bếp núc trong nhà.