Tiết Kinh Trập ( cúng tế bạch hổ )
Tiết “Kinh Trập” là 1 trong 24 tiết khí của lịch nhà nông được người xưa xây dựng dựa vào việc quan sát sự chuyển động của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, 24 tiết khí được bắt đầu từ tiết Lập Xuân, sau đó lần lượt là các tiết: Vũ Thủy, Kinh Trập, Xuân Phân, Thanh Minh, Cốc Vũ, Lập Hạ, Tiểu Mãn, Mang Chủng, Hạ Chí, Tiểu Thử, Đại Thử, Lập Thu, Xử Thử, Bạch Lộ, Thu Phân, Hàn Lộ, Sương Giáng, Lập Đông, Tiểu Tuyết, Đông Chí, Tiểu Hàn và cuối cùng là tiết Đại Hàn.
Theo dương lịch, tiết Kinh Trập hàng năm sẽ rơi vào ngày 5 tháng 3 (hoặc ngày 6 tháng 3 trong năm nhuần), “kinh” có nghĩa là làm kinh động, kinh sợ; “trập” chỉ các loại côn trùng đang trú đông. Vì trong mùa đông lạnh giá, tất cả các loại côn trùng đều rơi vào giấc ngủ đông, đến tiết Kinh Trập mới bắt đầu có những tiếng sấm đầu tiên của mùa xuân vang vọng khắp nơi làm kinh động và đánh thức các loại côn trùng sau một giấc ngủ kéo dài cả mùa đông và bắt đầu bò lên mặt đất kiếm ăn. Tuy nhiên, các loại côn trùng này đa phần đều là côn trùng có hại nên vào thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa phát triển thì người dân chỉ biết cầu mong sự giúp đỡ từ thế giới tâm linh, và vị chúa tể của muôn loài động vật – Hổ đã được mọi người nghĩ đến đầu tiên và điển hình nhất chính là thần tượng con “Bạch Hổ”. Vì thế ngày Kinh Trập cũng trở thành ngày các tín đồ Phật giáo cúng tế thần Bạch Hổ để cầu mong “Ngài” ban ơn giúp đỡ giảm thiểu các tác hại của côn trùng phá hoại mùa màng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày Kinh Trập, các tín đồ Phật giáo thường đem theo trứng vịt, thịt heo sống, … đến các chùa miếu để dâng hương cho thần Bạch Hổ (thường được thờ trong khắp các miếu thần của người Hoa) để cầu bình an, may mắn. Cũng trong ngày này, trong dân gian vẫn còn tồn tại một tập tục tuy mang màu sắc mê tín và đang dần dần bị xóa bỏ nhưng khá thú vị đó chính là tục “đánh tiểu nhân”, vì theo quan niệm người xưa, thần Bạch Hổ cũng chính là khắc tinh của “tiểu nhân”.